Thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình khiến trẻ sống thụ động và không biết ứng phó trong các tình huống nguy hiểm. Thế nên, cha mẹ cần trang bị cho con kỹ năng này ngay từ khi còn nhỏ. Cùng KNP khám phá cách dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân để giữ an toàn tốt nhất.

Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc

Ngay từ nhỏ, cha mẹ nên dạy trẻ cách thể hiện, kiểm soát và hiểu về những cảm xúc của mình. Hãy kiên nhẫn lắng nghe chia sẻ cảm xúc của trẻ, bày tỏ sự quan tâm, đồng cảm và đưa ra những định hướng cho con. Cách làm này giúp trẻ hình thành thói quen chia sẻ với cha mẹ.

Nói về cảm giác an toàn và không an toàn

Trẻ nhỏ thường khó phân biệt giữa an toàn và không an toàn hoặc không nhận thức được thế nào là không an toàn. Cha mẹ cần giải thích, hướng dẫn trẻ. Từ đó, mỗi khi cảm thấy không an toàn, trẻ có thể nói chuyện với cha mẹ hoặc người lớn ngay lập tức.

Dạy trẻ những dấu hiệu bất thường của cơ thể

Cha mẹ cần dạy trẻ nhận biết một số cảnh báo không an toàn của cơ thể như đau bụng, tim đập nhanh, sốt… Và khi cơ thể con xuất hiện những trạng thái đó, hãy nhắc nhở trẻ thông báo ngay cho cha mẹ và người lớn.

Chỉ cho trẻ người lớn đáng tin cậy để chia sẻ

Cha mẹ cần chọn những người đảm bảo an toàn tuyệt đối, có thể thay cha mẹ trong trường hợp khẩn cấp. Có thể là thành viên trong gia đình hoặc là người trẻ có thể dễ dàng tiếp cận khi gặp nguy hiểm như cảnh sát, bảo vệ…

Dạy trẻ thế nào là đụng chạm an toàn

Không phải mỗi bé gái, cha mẹ cũng cần hướng dẫn bé trai về việc đụng chạm thế nào là an toàn, thế nào là không an toàn. Đụng chạm an toàn (ôm, an ủi, vuốt tóc) đem lại cảm giác dễ chịu. Đụng chạm không an toàn (đánh, đá, véo, quấy rối) khiến con cảm thấy tồi tệ, khó chịu hoặc sợ hãi.

Nhắc nhở con, nếu con cảm thấy không thoải mái với bất kỳ hành động nào đó của người khác, thì con nên nói với ông bà, bố mẹ.

Bởi vì rất nhiều trường hợp các bé bị lạm dụng tình dục bắt đầu từ những hành vi đụng chạm đó. Đã có rất nhiều trường hợp thủ phạm lại là những người thân/bạn bè của gia đình hoặc hàng xóm. Vậy nên, cần dạy con biết tự bảo vệ bản thân ngay cả với những người quen, chứ không chỉ đối với người lạ.

Từ khi trẻ còn nhỏ, hãy gọi đúng tên bộ phận sinh dục của bé

Ngay từ nhỏ, cha mẹ cần đảm bảo trẻ nắm rõ các bộ phận riêng tư trên cơ thể, bao gồm cả miệng. Nhiều cha mẹ cảm thấy ngại ngùng khi nói với con về cơ quan sinh dục, thế nhưng đây là điều quan trọng trong việc dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Hãy giải thích với con rằng, riêng tư nghĩa là chỉ dành riêng cho trẻ. Vì vậy, nếu có người muốn chạm vào bộ phận riêng tư của bé, hoặc cho bé xem hình ảnh về những bộ phận đó, hãy từ chối bằng cách nói “Không”, “Dừng lại” và báo với người lớn ngay lập tức.

Dặn con phải luôn đi cùng nhóm

Trẻ nhỏ đi một mình ở ngoài đường, công viên, vườn hoa,… thường dễ gặp rủi ro hoặc bị bắt nạt/ làm hại. Do vậy, dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân cần nhấn mạnh cho con biết tầm quan trọng của việc đi theo nhóm.

Trẻ mẫu giáo thường đi với ông bà, bố mẹ, anh chị hoặc thầy cô. Tuy nhiên, cũng có lúc con mải chơi tách khỏi người lớn mà không hiểu được mức độ nguy hiểm có thể gặp. Vì thế, con cần được biết rằng đi cùng với người lớn hoặc nhóm bạn sẽ hạn chế nguy cơ rủi ro.

Dạy bé địa chỉ nhà và số điện thoại người thân

Cha mẹ cần bắt đầu dạy con những thông tin này khi con tập đi. Thường xuyên hỏi con về địa chỉ nhà cũng như số điện thoại của cha mẹ để đảm bảo con đã thuộc. Như vậy, nếu có bị lạc, trẻ cũng sẽ biết cung cấp thông tin để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Nếu trẻ còn nhỏ chưa nhớ được điều này, cha mẹ cũng có thể viết tên con cùng số điện thoại cha hoặc mẹ và gắn lên người con (vòng đeo tay, vòng cổ, ba lô…).

Và, cũng cần dạy bé chỉ nói thông tin cá nhân khi cần tìm kiếm sự giúp đỡ. Tuyệt đối không tiết lộ những điều này với người lạ/người xấu. Vì họ có thể đang có những ý đồ xấu.

Kết nối với chúng tôi tại:

Fanpage: Stepbaby Việt Nam

Group: Cộng đồng mẹ bỉm sữa chăm con cùng Stepbaby

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.