Trong quá trình mang thai, siêu âm là một điều cần thiết để chuẩn đoán và phát hiện ra những bất thường của thai nhi. Thông thường trong mỗi lần mang thai, tối thiểu mẹ bầu cần siêu âm 3 lần vào các mốc sau: 11-14 tuần, 18-22 tuần và 30 – 32 tuần.
Siêu âm hình thái thai nhi giai đoạn 11-14 tuần.
Trong giai đoạn này thai nhi đã có đủ hình hài và các bộ phận, những bất thường lớn có thể nhìn thấy. Mục đích của việc siêu âm trong thời gian này là để: chẩn đoán tuổi thai và dự kiến sinh cho mẹ bầu, đo độ mờ da gáy để sàng lọc nguy cơ mắc các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down, hội chứng Patau, hội chứng Edward, chẩn đoán số lượng thai, số lượng bánh rau và buồng ối đối với mẹ bầu mang đa thai, sàng lọc nguy cơ tiền sản giật.
Siêu âm hình thái thai nhi giai đoạn 18-22 tuần.
Khi thai được 18-22 tuần là lúc lượng nước ối có nhiều, thai đã khá lớn và di chuyển rất tốt trong buồng tử cung, giúp cho việc quan sát thai khá tốt ở nhiều góc độ khác nhau, nên dễ dàng phát hiện các bất thường về hình thể. Mẹ bầu nên siêu âm 4D để kiểm tra chi tiết các bộ phận trên cơ thể của thai nhi:
– Kiểm tra tứ chi về độ dài và số lượng xem có gì bất thường, có đầy đủ hay thiếu ngón chân ngón tay nào không
– Khảo sát các dị tật về não bộ và cột sống.
– Tình trạng của các cơ quan nội tạng khác như tim, phổi, dạ dày… đánh giá dị tật tim thai, dịch bất thường trong khoang màng phổi, trong ổ bụng…
– Đánh giá dị tật ở gương mặt của thai nhi xem có bị sứt môi, hở hàm ếch, có đầy đủ hai tai hay không…
– Cuối cùng là xem có sự bất thường nào về bánh nhau, nước ối không, xem bánh nhau có bám chắc không, diện tích nhau bám có lớn không, nước ối có nhiều quá hay bị thiếu không.
Siêu âm thai nhi giai đoạn 30-32 tuần
Lần siêu âm tối tiểu thứ ba là giai đoạn 30 – 32 tuần nhằm mục đích: đánh giá sự phát triển thai, và phát hiện các dị tật xuất hiện muộn. Thai phát triển bình thường hay thai nhỏ hoặc lớn hơn bình thường được xác định ở lần siêu âm này. Bên cạnh việc siêu âm hình thái các cơ quan bộ phận như lần siêu âm mốc 18-22 tuần, lần siêu âm này còn phát hiện các dị tật xuất hiện muộn như nhẵn não, tắc ruột… Vị trí bánh nhau lúc này cũng sẽ được chẩn đoán chắc chắn hơn, xác định rau có bám thấp, che lấp đường ra của thai nhi hay không.
Nếu được, khi gần sinh cũng mẹ bầu có thể có thêm một lần siêu âm để xác định kích thước thai, mức độ trưởng thành của bánh nhau và lượng nước ối.
Hơn hết là, trong quá trình mang thai, nếu mẹ bầu thấy có gì bất thường có thể đi khám và siêu âm để bác sĩ phát hiện và xử trí kịp thời mang lại sự an toàn cho cả mẹ bầu và thai nhi.
KNP chúc mẹ bầu có một thai kỳ khoẻ mạnh!
Để xem thêm các chia sẻ hữu ích trong quá trình mang thai mẹ bầu có thể tham khảo tại: Hành trình thai kỳ
Kết nối với chúng tôi tại:
Fanpage: Stepbaby Việt Nam