Cúm B ở trẻ được đánh giá là lành tính, có thể tự khỏi trong vài ngày. Tuy nhiên ở những trẻ có bệnh nền như rối loạn chuyển hoá, tim bẩm sinh, phổi tắc nghẽn mãn tính,… cúm B sẽ nguy hiểm rất nhiều lần với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, viêm não,…
Cúm B ở trẻ là gì?
Cúm B ở trẻ là bệnh nhiễm truyền đường hô hấp do chủng virus cúm B gây ra.
Virus gây bệnh cúm ở người được chia làm 4 chủng cúm A, B, C, D. Trong đó, chủng cúm C và D rất hiếm gặp và ít lây nhiễm ở người, còn cúm A và B là hai chủng virus cúm gây bệnh phổ biến ở người, có thể gây thành dịch trong cộng đồng. Kể từ sau đại dịch Covid-19, các nghiên cứu thấy rằng chủng cúm B phổ biến khoảng 40%, cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa.
Virus cúm B gồm 2 type nguy hiểm là B/Yamagata và B/Victoria, có khả năng lây truyền từ người sang người, không lây truyền từ động vật sang người như cúm A. Bên cạnh đó, các đặc tính di truyền và kháng nguyên của virus cúm B rất ít thay đổi và thay đổi chậm hơn so với virus cúm A.
Cúm B lây truyền thông qua các giọt bắn nhỏ có chứa virus cúm trong không khí khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện; hoặc do trẻ chạm vào các bề mặt chứa mầm bệnh rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của mình. Do đó, việc chủ động phòng ngừa bệnh cúm B ở trẻ rất quan trọng.
Cúm B ở trẻ có nguy hiểm như nào
Các bác sĩ cho biết, phần lớn trẻ mắc bệnh cúm B nhẹ và tự khỏi, tuy nhiên virus cúm B vẫn là bệnh nguy hiểm, trẻ có thể gặp các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ tiêu cơ vân, suy đa cơ quan… nếu không được can thiệp điều trị đúng cách.
Suy hô hấp cấp là biến chứng nặng nhất của cúm B, biểu hiện rõ nhất là khi trẻ mắc cúm đã quá 3 đến 5 ngày mà vẫn triệu chứng vẫn tiếp diễn, kèm tình trạng khó thở, thở gấp, khạc ra đờm đặc có lẫn máu. Trẻ sẽ tử vong nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Ngoài suy hô hấp, người mắc cúm B phải đối mặt với cúm ác tính nếu các triệu chứng kéo dài mà không điều trị đúng cách. Triệu chứng cúm ác tính ban đầu giống như bệnh cúm thông thường, sau đó xuất hiện những biểu hiện do viêm phổi cấp tính dẫn tới thiếu oxy máu và tử vong.
Triệu chứng cúm B ở trẻ
Thời gian ủ bệnh khi nhiễm virus cúm B khá ngắn, chỉ khoảng 1 – 3 ngày và các dấu hiệu bệnh không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác như cảm lạnh, Covid-19, siêu vi hô hấp,… Tiếp đó, bệnh sẽ diễn tiến trong khoảng 3 – 5 ngày với những triệu chứng cúm B ở trẻ phổ biến gồm:
Các triệu chứng cúm B ở trẻ phổ biến
Trẻ mắc bệnh cúm B sẽ có triệu chứng phổ biến như: Sốt, đau đầu, đau rát họng, ho khan, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi, kiệt sức, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. Mặc dù một số triệu chứng cúm B có thể tương tự như cảm lạnh, đa số trẻ sẽ bình phục sau 1 – 2 tuần, tuy nhiên ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.
Triệu chứng hô hấp
Ngoài các triệu chứng cúm B phổ biến ở trên, trẻ có thể gặp các triệu chứng ở phương diện khác như: ho, sổ mũi, viêm họng, tắc nghẽn,… Các triệu chứng về hô hấp có triệu chứng khá giống nhau nên dễ gây nhầm lẫn cúm B với cảm lạnh thông thường. Nếu trẻ có tiền sử hen suyễn hoặc nhiễm trùng đường hô hấp thì có thể làm tăng thêm nguy cơ mắc các biến chứng nặng.
Triệu chứng toàn thân
Trẻ bị cúm B thường bị sốt, thậm chí có trường hợp sốt cao lên tới 41 độ C. Tình trạng này khiến trẻ gặp phải một số biểu hiện toàn thân như: suy nhược cơ thể, ớn lạnh, mệt mỏi, yếu ớt, đau bụng,…
Triệu chứng dạ dày
Một số ít trẻ bị cúm B có biểu hiện đau dạ dày hoặc tiêu chảy. Những triệu chứng cúm B này rất dễ nhầm lẫn với các vấn đề ở dạ dày. Ngoài ra, trẻ nhiễm virus cúm B còn gặp phải các biểu hiện sau: chán ăn, đau bụng, ói mửa, buồn nôn,…
Biến chứng khi trẻ bị cúm B
Khi xâm nhập vào cơ thể, virus cúm B gây ra các triệu chứng như sốt (có thể sốt cao, đột ngột), viêm long đường hô hấp trên, ho, sưng đau họng, hiếm khi xuất hiện các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản. Nếu có những biểu hiện này có thể do biến chứng hoặc kết hợp với các virus khác gây nên.
Mặc dù Covid-19 ít ảnh hưởng đối với trẻ em, nhưng bệnh cúm nói chung, bệnh cúm B nói riêng là mối đe dọa lớn nhất với nhóm này, đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa được tiếp xúc nhiều với môi trường và các loại virus, vi khuẩn khác. Trẻ em một khi mắc cúm bệnh sẽ trở nặng, đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa đến tuổi tiêm vắc xin cúm.
Trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân mắc cúm thường dễ gây biến chứng xẹp phổi do phổi chưa trưởng thành và phát triển đầy đủ. Sức đề kháng của hệ miễn dịch nhất là ở tế bào tại chỗ như tế bào biểu mô, lông chuyển ở đường hô hấp chưa hoàn chỉnh, do đó việc tiêm vắc xin phòng cúm ở trẻ sinh non là vô cùng quan trọng để bảo vệ phổi (nếu trẻ đủ điều kiện tiêm) nhằm giảm nguy cơ biến chứng suy hô hấp sơ sinh.
Đối với trẻ lớn, trường học là nơi dễ lây lan bệnh cúm và khó kiểm soát. Trẻ nhiễm virus cúm từ bạn bè, thầy cô, sau đó về lây cho ông bà, cha mẹ và mầm bệnh từ đó lây lan khắp nơi trong công sở, bệnh viện… hình thành một quần thể cúm ngày càng rộng hơn, nghiêm trọng hơn.
Cúm có thể diễn tiến cấp tính thành viêm phổi, suy hô hấp, hoặc khởi phát các bệnh tiềm tàng như hen suyễn, thuyên tắc phổi mạn tính – COPD. Khi diễn tiến ác tính, cúm gây viêm não, viêm cơ tim, suy đa cơ quan, dẫn đến những gánh nặng bệnh tật lâu dài như viêm khớp, các bệnh lý tim mạch, khiến trẻ trở nên khờ khạo, kém phát triển về thần kinh và vận động.
Những trẻ có nguy cơ gặp biến chứng nặng khi nhiễm cúm B
Nhóm trẻ có nguy cơ biến chứng nặng khi nhiễm cúm B gồm:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
- Trẻ mắc bệnh mãn tính như bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh gan, bệnh thận, bệnh hen, bệnh phổi mãn, bệnh tăng áp phổi, béo phì.
- Trẻ đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch, trẻ mắc các bệnh ung thư, bệnh máu rối loạn chuyển hóa.
Khi nào cần cho trẻ mắc cúm B nhập viện
Cúm B ở trẻ có thể ủ bệnh từ 1 đến 4 ngày kể từ khi bị nhiễm virus. Trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ, trẻ có bệnh nền, trẻ có hệ thống miễn dịch bị suy yếu sẽ có thời gian ủ bệnh lâu hơn.
Khi trẻ mắc cúm B gặp các triệu chứng sau khi cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:
- Trẻ sốt cao ≥ 39,5 độ C đã uống thuốc hạ sốt nhưng nhiệt độ không hạ. Hoặc trẻ sốt cao ≥ 38,5 độ C quá 3 ngày không có xu hướng thuyên giảm.
- Trẻ thở nhanh, thở bất thường: Thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp; Trẻ không ăn uống và có biểu hiện mất nước: Môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng khô, khát nước, đi tiểu ít. Hay là trẻ nhỏ sẽ không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật… Trẻ lớn sẽ kêu đau bụng, đau ngực, nôn nhiều, tiêu chảy.
Chăm sóc trẻ bị cúm B
Với các trường hợp trẻ bị cúm nhẹ, ca mẹ có thê chăm sóc và điều trị cho trẻ tại nhà. Cụ thể:
- Cho trẻ nghỉ ngơi ở môi trường sạch sẽ, kín gió;
- Dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ có sốt trên 38,5 độ C, các thuốc có thể sử dụng như: Paracetamol liều từ 10-15 mg/kg/lần (không dùng với trẻ mắc về bệnh gan), hoặc Ibuprofen liều 6-8 mg/kg/lần (không dùng với trẻ giảm tiểu cầu hoặc nghi ngờ có sốt xuất huyết), khoảng cách dùng cách 4 – 6h nếu trẻ sốt ≥ 38,5 độ C.
- Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn những thức ăn dễ tiêu, ăn những thức ăn giải cảm như cháo hành, cháo tía tô… Bổ sung những thực phẩm giàu Vitamin C như nước cam, nước chanh muối…
- Cho trẻ ăn lỏng, thức ăn mềm, cho uống thêm nước ép, dung dịch Oresol,… Có thể cho trẻ dùng thuốc ho thảo dược nếu trẻ ho và thông thoáng đường thở bằng cách nhỏ nước muối sinh lý, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý,…
- Không chỉ trẻ mà cha mẹ khi chăm soc trẻ cũng cần phải chú ý, vì sẽ là người dễ bị lây bệnh nhất bao gồm: Đeo khẩu trang y tế, rửa tay…
- Khi có các triệu chứng bệnh cúm B trở nặng thì trẻ cần sớm đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Phòng ngừa cúm B ở trẻ
Tiêm ngừa cúm hàng năm được coi là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm bệnh và các biến chứng của bệnh. Hiện nay các loại vắc xin cúm Tứ giá thế hệ mới đã phòng hiệu quả 4 chủng virus cúm phổ biến, trong đó có các chủng đang gây dịch như cúm A (A/H1N1, A/H3N2) và hai chủng cúm B (B/Yamagata, B/Victoria). Vắc xin được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn mỗi năm một lần. Người đã tiêm vắc xin ngừa 4 chủng cúm A và B nếu mắc cúm các chủng khác cũng giảm nhẹ hơn các triệu chứng, giảm nguy cơ mắc biến chứng nặng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với người chưa tiêm vắc xin.
Vắc xin cúm được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ có nguy cơ cao như: sinh non, trẻ dưới 5 tuổi, trẻ có các bệnh lý nền… Vắc xin cúm giảm nguy cơ nhập viện ICU (chăm sóc đặc biệt) đến 74% ở trẻ em, giảm nguy cơ tử vong hơn 31% so với những trẻ không tiêm vắc xin cúm, giảm chi phí y tế, đảm bảo sức khoẻ và nền tảng tương lai cho trẻ.
Cúm B lây truyền rất nhanh nên ngoài việc tiêm chủng vắc xin đầy đủ, tất cả trẻ em cần chủ động thực hiện các biện pháp dưới đây để phòng cúm B:
- Cho trẻ giữ khoảng cách xa tối thiểu 1 mét với những người có triệu chứng mắc cúm.
- Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn, trước khi chạm vào mắt, mũi, miệng.
- Sử dụng khăn giấy khi ho và hắt hơi, vứt khăn giấy ngay vào thùng rác.
- Làm sạch các bề mặt, dụng cụ thường xuyên chạm vào
- Không cho trẻ dùng chung các vật dụng như cốc uống nước, thìa, đồ chơi… Nếu trẻ có các triệu chứng của bệnh cúm nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, tuân thủ cách ly và điều trị.
Qua bài viết này, KNP hy vọng ba mẹ đã có nhiều kiến thức hơn về cúm B từ đó có biện pháp phòng và điều trị kịp thời cho trẻ.
Chúc bé yêu luôn khoẻ mạnh!
Kết nối với chúng tôi tại:
Fanpage: Stepbaby Việt Nam