Vitamin và các yếu tố vi lượng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Chúng không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng mà còn có tác dụng phòng ngừa các dị tật bẩm sinh ở thai nhi và tình trạng bệnh lý thường gặp trong thai kỳ. Vậy bổ sung vitamin và chất gì khi mang thai để có một thai kỳ khoẻ mạnh
1. Vai trò của vitamin và yếu tố vi lượng khi mang thai?
Các vitamin và yếu tố vi lượng đóng vai trò rất quan trọng đối với thai kỳ. Hiện nay, việc sử dụng các loại viên uống bổ sung vitamin, thực phẩm chức năng, yếu tố vi lượng dành cho mẹ bầu không còn xa lạ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng dù các loại viên uống bổ sung có an toàn, hiệu quả đến đâu cũng không thể thay thế việc nạp vào cơ thể các loại vitamin và khoáng chất cần thiết qua một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý. Các chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng vitamin và các chất khác trong thực phẩm có khả năng cân bằng tốt hơn so với thực phẩm chức năng.
Thực tế, có một số loại vitamin, khoáng chất cơ thể khó hấp thu hoặc tỷ lệ hấp thu thông qua thức ăn thấp như: Vitamin C trong quá trình bảo quản hoặc đun nấu quá lâu sẽ tự phân hủy, sắt khó hấp thu nếu thiếu vitamin C. Vitamin A, E, D, K tan trong dầu nên sẽ được hấp thu tốt hơn nếu như được bổ sung thêm chất béo từ dầu mỡ trong chế độ ăn hàng ngày…
Bên cạnh đó không phải mẹ bầu nào cũng hiểu biết đúng về việc bổ sung vitamin, khoáng chất thông qua việc ăn uống để thực hiện. Đặc biệt trong 3 tháng đầu, mẹ bầu thường có hiện tượng ốm nghén gây ra chứng chóng mặt, buồn nôn, sợ mùi thức ăn,… nên không thể duy trì một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý. Bởi vậy, việc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất cho mẹ bầu là rất cần thiết.
Mặt khác, bổ sung vitamin khi mang thai cho mẹ bầu có rất nhiều công dụng như hỗ trợ quá trình mang thai diễn ra thuận lợi hơn; giúp thai nhi phát triển toàn diện về sức khỏe, đặc biệt là não bộ; phòng chống các dị tật bẩm sinh ở thai nhi; tăng cường sức khỏe thai phụ cũng như hạn chế một số bệnh lý hay gặp ở phụ nữ mang thai như sinh non, thai chậm phát triển, viêm nhiễm…
Xem ngay: Các vấn đề hay gặp trong thai kỳ
2. Cần bổ sung vitamin và khoáng chất nào khi mang thai
Các loại vitamin tổng hợp cho mẹ bầu cần đảm bảo các dưỡng chất quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi. Khi chọn vitamin bổ sung cho bà bầu cần chú ý tới một số thành phần quan trọng như sau:
2.1. Bổ sung axit folic (vitamin B9)
Axit folic hay còn gọi là Vitamin B9 là một loại vitamin vô cùng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Cần uống acid folic với liều lượng thích hợp từ 3 tháng trước khi mang thai đến hết 3 tháng đầu của thai kỳ làm để giảm tỷ lệ thai nhi mắc các dị tật của ống thần kinh. Đây một loại dị tật khá phổ biến ở thai nhi như tật nứt đốt sống gây liệt chi dưới, đại tiểu tiện không kiểm soát, mất cảm giác chi dưới .. hoặc nặng nề hơn như dị dạng thai vô sọ …
Vì thế, ngoài việc bổ sung axit folic từ thực phẩm, ngay từ khi có kế hoạch mang thai phụ nữ nên sử dụng thêm viên uống axit folic để bổ sung vitamin và dự phòng loại dị tật nghiêm trọng này. Các bác sĩ sẽ giới thiệu liều uống cụ thể hằng ngày, liều phổ biến hiện nay (được Bộ Y Tế khuyên dùng) là 0,8mg (800 mcg)/ngày.
Trong các loại thực phẩm, Axit folic tìm thấy nhiều trong giá đỗ, các loại rau có màu xanh sẫm như rau cải xanh, rau chân vịt, các loại hạt, sữa, chuối…
2.2. Bổ sung sắt
Sắt tham gia vào quá trình hình thành của hồng cầu và có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy nên rất cần thiết cho các mẹ bầu. Trong thai kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mẹ bầu nên bổ sung khoảng 30mg sắt mỗi ngày để dự phòng thiếu máu. Tuy nhiên, thừa sắt cơ thể sẽ không được đào thải mà sẽ được tích trữ lại, do đó việc uống sắt thường xuyên và liều lượng cụ thể cần phải được cân nhắc.
Thực tế, việc uống sắt chỉ thật sự cần nếu bạn thiếu máu thiếu sắt, nếu lượng sắt trong cơ thể của bạn ở mức bình thường thì việc bổ sung sắt sẽ không đem lại lợi ích. Đặc biệt, với những trường hợp người mang gen bệnh thiếu máu tan huyết (thalassemia) mặc dù cơ thể thiếu máu nhưng lượng sắt huyết thanh vẫn rất cao, khi đó việc uống sắt là chống chỉ định. Mẹ bầu cần đi khám để bác sĩ đưa ra chỉ định thích hợp.
Thực phẩm giàu sắt là: rau ngót, thịt nạc, cá biển, rau muống…
2.3. Bổ sung canxi
Canxi là một thành phần chất khoáng vô cùng quan trọng, ngoài việc tạo xương và răng, canxi còn tham gia quá trình vận động, tuần hoàn, dẫn truyền thần kinh.
Khi mang thai, thai nhi không thể tự tổng hợp canxi nên người mẹ chính là nguồn canxi duy nhất cho chúng, nguồn canxi này sẽ được lấy chủ yếu từ xương và răng của mẹ. Từ tuần thai thứ 29 trở đi, thai nhi sẽ lấy của mẹ trung bình 250 mg Canxi/ngày để phục vụ cho việc tạo xương.
Do đó, việc bổ sung canxi là điều không thể thiếu cho mẹ bầu cả trước và trong khi mang thai. Ngoài chế độ ăn giàu canxi việc bổ sung thêm canxi qua viên uống là cần thiết. Trung bình phụ nữ trước mang thai cần khoảng 800mg canxi mỗi ngày để đảm bảo đủ lượng canxi cho cơ thể, trong khi đó phụ nữ mang thai cần bổ sung khoảng từ 1000- 2000mg và không quá 2500 mg canxi mỗi ngày.
Tuy nhiên, cũng giống như sắt, các mẹ cần lưu ý giữa lượng canxi nguyên tố và canxi hợp chất, ví dụ trong 1000 mg canxi carbonat (thuốc canxi phổ biến trên thị trường ở dạng này) chỉ có 400 mg canxi nguyên tố và nên bổ sung canxi hữu cơ để hấp thu tốt hơn.
Mẹ bầu cần uống với liều lượng và thời điểm thích hợp, tránh dùng chung với một số loại thuốc ví dụ như sắt, để canxi được hấp thu tốt nhất.
2.4. DHA
DHA có một ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của thai. Thành phần DHA trong Omega 3 giúp phát triển hệ thần kinh trung ương của bé từ những tuần đầu tiên của thai kỳ. Bên cạnh đó, DHA còn giúp phát triển võng mạc mặt, giảm nguy cơ sinh non, thai nhẹ cân. Phụ nữ nên bổ sung DHA từ trước khi mang thai, đem lại nguồn dự trữ DHA vô cùng quan trọng cho sự phát triển của thai nhi chứ không nên chỉ khi mang thai mới uống.
Thực phẩm giàu DHA bao gồm: Cá, lòng đỏ trứng gà, sữa, thịt đỏ, các loại hạt…
2.5. Vitamin D
Vitamin D giúp hấp thu và chuyển hóa các chất khoáng cần thiết như canxi, phospho vào cơ thể. Khi mang thai nếu cơ thể thiếu vitamin D sẽ làm tăng nguy cơ như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ, khi sinh ra trẻ sẽ lâu liền thóp.
Để hấp thu vitamin D từ tự nhiên, mẹ bầu có thể dành thời gian tắm nắng khoảng 20- 30’/ngày hoặc bổ sung vitamin D 15mcg/ngày. Việc sử dụng các vitamin D qua thực phẩm như pho mát, cá, trứng, sữa, hoặc các thực phẩm có tăng cường vitamin D cũng đem lại hiệu quả cao cho mẹ bầu.
2.6. Iod (I-ốt)
Iod là vi chất quan trọng với sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là hệ thần kinh của trẻ. Nhu cầu iốt khi mang thai cũng sẽ tăng lên. Đây là nguyên liệu cần thiết cho quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp, mẹ bầu cần nhiều hơn một phần ba so với thông thường và việc bổ sung iốt rất quan trọng đối với thai nhi.
Thai phụ bị thiếu iốt nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc mắc các dị tật bẩm sinh. Do đó, việc bổ sung iốt cũng rất quan trọng với bà mẹ mang thai.
2.7. Vitamin A
Vitamin A giúp tăng tỷ lệ sống sót của thai nhi, cần thiết cho phát triển thị giác của trẻ.
Nhu cầu vitamin A được khuyến cáo trong thai kỳ là 800 mcg RE/ngày (RE: retinol equivalent).
Nguồn cung cấp vitamin A từ thực phẩm là: cà rốt, đu đủ, bí ngô), gan, dầu cá và các sản phẩm từ sữa như: bơ, sữa chua, phô mai.
2.8. Vitamin B1
Đây là yếu tố cần thiết để chuyển hóa glucid. Ngũ cốc và các loại hạt họ đậu là rất giàu vitamin B1. Để có đủ vitamin B1, mẹ bầu nên ăn gạo không giã trắng quá, không bị mục, mốc. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều đậu đỗ là cách tốt để bổ sung đủ vitamin B1 cho nhu cầu của cơ thể và chống lại bệnh tê phù.
2.9. Vitamin B2
Vitamin B2 giúp cơ thể tạo năng lượng, thúc đẩy sự phát triển của thai nhi, tốt cho tế bào thị giác, tham gia vào quá trình hình thành da, tạo máu. Ngoài ra, vitamin B2 còn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển xương, cơ, tế bào thần kinh của trẻ. Vì vậy, việc cung cấp đủ vitamin B2 là rất cần thiết cho mẹ bầu.
Vitamin B2 tìm thấy nhiều trong thức ăn động vật, sữa, các loại rau, đậu… Các hạt ngũ cốc toàn phần là nguồn B2 tốt nhưng bị giảm đi nhiều qua quá trình xay xát.
2.10.Vitamin C
Vitamin C có vai trò lớn giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn, góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt.
Các quả chín, rau xanh có nhiều vitamin C nhưng bị hao hụt nhiều trong quá trình nấu nướng. Vì vậy, loại vitamin này thường được bác sĩ khuyến khích sử dụng cùng bữa ăn để hấp thu tốt.
Thực tế, vitamin C chỉ tồn tại trong máu vài giờ nên mẹ bầu không sử dụng toàn bộ liều uống vào một thời điểm mà nên chia nhỏ liều tương ứng với các bữa ăn trong ngày. Nên uống vitamin C sau bữa ăn và không nên uống vitamin C quá muộn vào buổi tối, vì vitamin C có tính kích thích cao, gây khó ngủ.
2.11. Kẽm
Kẽm tham gia vào phát triển chiều cao từ trong bào thai và tăng miễn dịch cho trẻ. Thực phẩm giàu kẽm tốt phải kể đến thịt, cá, thủy hải sản, đặc biệt là nhuyễn thể như: ốc, hến, trai, trùng trục hay nghêu sò… Thiếu kẽm có thể gây vô sinh, sảy thai, sinh non hoặc sinh già tháng, thai chết lưu gần ngày sinh và sinh không bình thường.
Hy vọng qua bài viết này, mẹ bầu sẽ chú ý bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết để có một thai kỳ khoẻ mạnh.
Kết nối với chúng tôi tại:
Fanpage: Stepbaby Việt Nam