Kỹ năng tự bảo vệ bản thân là một trong những kỹ năng quan trọng mà mỗi trẻ em cần phải được trang bị từ sớm. Những kỹ năng này không chỉ giúp trẻ tự tin hơn mà còn hỗ trợ con có thể nhận diện và xử lý các tình huống nguy hiểm một cách thông minh. Hãy cùng KNP hướng dẫn các bé cách bảo vệ bản thân trước những tình huống thường gặp ngoài xã hội nhé!

Kỹ năng tự bảo vệ bản thân là gì?

Kỹ năng tự bảo vệ bản thân là những hiểu biết của trẻ về đối tượng, sự việc diễn ra xung quanh và khả năng phán đoán, đưa ra các hành động phù hợp nhằm bảo vệ cho sự an toàn của bản thân. Nó bao gồm việc nhận biết và đánh giá các tình huống rủi ro, hiểu và áp dụng các biện pháp phòng ngừa và có khả năng tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa về an toàn và sức khỏe.

Trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, việc trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ nhỏ là vô cùng cần thiết, nhất là khi các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng. Trẻ nhỏ thường chưa đủ khả năng phân biệt đúng sai và dễ bị người khác dụ dỗ, vì vậy cha mẹ cần hướng dẫn con những kỹ năng cơ bản nhất để bảo vệ chính mình.

Các kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ

Kỹ năng bảo vệ bản thân trước người lạ

Ở độ tuổi này trẻ như trang giấy trắng dễ bị dụ dỗ và đi theo người lạ khi được họ cho kẹo, đưa cho đồ chơi. Cha mẹ có thể giải thích cho con rằng không phải ai cũng đáng tin cậy và đôi khi người lạ có thể có những ý định không tốt.

Việc trò chuyện thường xuyên và tạo ra những tình huống giả lập như có người lạ mời đi chơi hay tặng đồ chơi, để giúp trẻ hiểu rằng, nếu gặp tình huống như vậy, hãy nhanh chóng từ chối dù họ có hứa hẹn món quà hay câu chuyện hấp dẫn thế nào cũng không nên đồng ý. Nếu có người lạ tiến gần, hãy dạy trẻ hét to và nhanh chóng chạy xa để thu hút sự chú ý của người xung quanh. Hướng dẫn trẻ tìm đến các nhân viên bảo vệ, cảnh sát, hoặc người lớn đáng tin cậy nếu cần giúp đỡ.

Kỹ năng phòng tránh xâm hại cơ thể

Vấn nạn trẻ bị xâm hại cơ thể, tấn công tình dụng đang là tệ nạn xã hội cảnh báo đỏ vì đang có chiều hướng ngày càng tăng cao. Bảo vệ cơ thể là yếu tố then chốt trong các kỹ năng tự bảo vệ của trẻ.

Hãy phổ cập các kiến thức về giáo dục giới tính cho trẻ, chỉ cho bé biết đâu là vùng cơ thể nhạy cảm, không được cho ai đụng chạm và vùng cấm. Trẻ nên học cách nói “Không” một cách dứt khoát nếu ai đó yêu cầu làm điều gì không thoải mái. Nếu cảm thấy không an toàn, trẻ cần hiểu rằng có thể nhờ sự giúp đỡ từ người lớn mà con tin tưởng.

Kỹ năng xử lý khi bị đi lạc

Trẻ em rất dễ bị lạc trong những nơi đông người, khi vui chơi ở nơi công cộng, rất nhiều trường hợp trẻ bị lạc đặc biệt ở công viên, trung tâm thương mại,…

Để bắt đầu, cha mẹ nên dạy trẻ cách ghi nhớ tên, số điện thoại của bố mẹ và địa chỉ nhà. Tuy nhiên, nhiều lúc do hoảng sợ bé có thể quên những thông tin này, tốt nhất ba mẹ hãy đưa cho trẻ một mảnh giấy ghi đầy đủ thông tin đi kèm trong người bé

Hướng dẫn con biết cách tìm đến sự trợ giúp khi đi lạc, đặc biệt là từ những người đáng tin cậy như cảnh sát, bảo vệ, hay nhân viên siêu thị,… Ngoài ra, dạy trẻ cách ứng xử trong các tình huống khác như từ chối lời mời của người lạ muốn đưa về nhà và giữ khoảng cách an toàn để bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm. Hướng dẫn trẻ đứng yên một chỗ khi bị lạc để cha mẹ có thể dễ dàng tìm thấy. Trẻ nên chọn những nơi đông người để đứng đợi, tránh các khu vực tối hoặc ít người qua lại.

Kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông

Kỹ năng an toàn giao thông là kiến thức vô cùng quan trọng mà trẻ cần được trang bị để tự tin tham gia giao thông và tránh những tai nạn đáng tiếc. Dù những kiến thức này thường được dạy ở trường, nhưng cha mẹ cũng nên cùng con ôn tập và nhắc nhở hàng ngày để tạo thành thói quen sâu sắc trong nhận thức. Hãy hướng dẫn trẻ nhận diện các biển báo giao thông phổ biến, nắm vững một số quy tắc cơ bản và biết cách sang đường an toàn. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể tạo ra các tình huống giả định tại nhà, giúp trẻ thực hành và kiểm tra khả năng ứng phó của con, từ đó nâng cao sự tự tin và phản xạ khi tham gia giao thông.

an-toan-giao-thong-cho-tre-mam-non

Kỹ năng bảo vệ bản thân khi gặp hỏa hoạn

Trẻ còn quá nhỏ để biết cách xử lý tình huống khi gặp hỏa hoạn. Vì vậy, phụ huynh cần hướng dẫn con những bước cơ bản để ứng phó khi xảy ra sự cố này, ngay cả khi không có bố mẹ bên cạnh. Một cách hiệu quả là tạo ra các tình huống giả định hoặc cùng xem video hướng dẫn về kỹ năng tự bảo vệ trong trường hợp hỏa hoạn. Sau đó, cha mẹ nên thực hành cùng trẻ để con có thể nắm bắt và ghi nhớ những kỹ năng quan trọng hơn.

Cha mẹ có thể dạy trẻ những mẹo nhỏ cần thiết khi gặp hỏa hoạn, như thông báo cho những người xung quanh, sử dụng khăn ẩm để che mặt, và tận dụng lối đi gần nhất để thoát hiểm. Để phòng ngừa cho những tình huống xấu có thể xảy ra, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ những kỹ năng ứng phó cần thiết khác như: bình tĩnh và gọi số cấp cứu; tìm nơi an toàn khi không thể thoát ra; tránh thở khói;…

Kỹ năng phòng tránh các tình huống gây nguy hiểm ở nhà

Ở nhà cũng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ. Cha mẹ cần hướng dẫn con biết tự bảo vệ khi ở nhà một mình hoặc khi gặp tình huống khẩn cấp như:

– Không mở cửa cho người lạ: Khi ở nhà một mình, trẻ cần hiểu rằng không được phép mở cửa cho bất kỳ ai, kể cả khi người đó nói có quen biết cha mẹ.

– Xử lý tình huống khẩn cấp: Dạy trẻ cách sử dụng điện thoại để gọi cứu trợ hoặc cha mẹ khi có tình huống bất ngờ như cháy nổ, rò rỉ gas hoặc bất kỳ nguy cơ nào.

– Biết cách sơ cứu đơn giản: Trẻ cũng nên được trang bị kiến thức sơ cứu cơ bản để tự bảo vệ bản thân khi có vết thương nhỏ, giúp trẻ tự tin xử lý trong những trường hợp này.

Hai quy tắc giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ bản thân

1. Quy tắc PANTS

Quy tắc PANTS gồm năm điều thiết yếu giúp trẻ phát triển kỹ năng tự bảo vệ và biết cách đối mặt với các tình huống không an toàn:

Riêng tư (Private): Trẻ cần hiểu rằng vùng kín của mình là phần riêng tư và chỉ có bố mẹ hoặc những người có chuyên môn trong tình huống y tế mới được phép chạm vào.

Luôn luôn (Always): Nhắc nhở trẻ rằng cơ thể của con là của con. Không ai có quyền ép buộc trẻ phải làm bất kỳ điều gì mà trẻ không muốn. Trẻ có quyền từ chối mọi yêu cầu mà làm con cảm thấy không thoải mái.

Không có nghĩa là Không (No means No): Dạy trẻ quyền nói không với bất kỳ hành vi chạm vào cơ thể mà chúng không cảm thấy thoải mái, bao gồm cả từ những người quen biết.

Nói (Talks): Cha mẹ nên giải thích cho trẻ sự khác biệt giữa những điều “tốt” và “xấu”. Khuyến khích trẻ nói về những điều “xấu” khiến trẻ cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi.

Lên tiếng (Speak up): Khuyến khích trẻ nêu ra những điều khiến chúng cảm thấy không an toàn, kể cả với thầy cô và cha mẹ. Việc này giúp trẻ cảm thấy được hỗ trợ và bảo vệ trong mọi tình huống.

2. Quy tắc 5 ngón tay

Quy tắc này sử dụng bàn tay để minh họa cho trẻ những hành động phù hợp với từng loại mối quan hệ:

Ngón cái: Đại diện cho những hành động yêu thương như ôm, hôn, chỉ nên dành cho những người mà trẻ tin tưởng như cha mẹ, ông bà, hoặc anh chị trong gia đình.

Ngón trỏ: Là hành động thể hiện tình bạn, như khoác vai hoặc nắm tay, dành cho bạn bè, thầy cô, và người thân.

Ngón giữa: Đối với những người chỉ quen biết, trẻ chỉ nên thực hiện các hành động xã giao như nói chuyện hoặc bắt tay, không nên có hành động thân mật.

Ngón áp út: Đối với người lạ, trẻ nên giữ khoảng cách hoặc cúi chào, không tham gia vào các hành động thân mật.

Ngón út: Dạy trẻ cách xua tay và nói không với những hành vi khiến trẻ cảm thấy khó chịu hoặc sợ hãi, giúp trẻ khẳng định quyền riêng tư và cảm giác an toàn của mình.

Kết luận

Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân là điều cần thiết để bảo vệ con trước những tình huống nguy hiểm. Việc này không chỉ giúp trẻ phát triển sự tự tin và tự lập mà còn giúp phụ huynh an tâm hơn khi trẻ không có cha mẹ bên cạnh. Hy vọng các phương pháp trên sẽ là hướng dẫn hữu ích để các bậc phụ huynh áp dụng, giúp trẻ trưởng thành an toàn và hạnh phúc!

Bỏ túi những tips chăm sóc con cái: Tại đây!

Kết nối với chúng tôi tại:

Fanpage: Stepbaby Việt Nam

Group: Cộng đồng mẹ bỉm sữa chăm con cùng Stepbaby

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.