Xét nghiệm nhóm máu khi mang thai là một trong những xét nghiệm đầu tiên và cực kỳ cần thiết. Mục đích mẹ bầu xét nghiệm nhóm máu là để xác định nhóm máu và phòng tránh những nguy cơ của truyền máu thai kỳ khi sinh nở.
Xem thêm các thông tin hữu ích về quá trình mang thai: Tại đây
1. Tổng quan về xét nghiệm nhóm máu ở mẹ bầu
Có 4 nhóm máu là A, B, AB và O và mỗi người sẽ có một nhóm máu khác nhau. Mỗi một nhóm máu này tiếp tục được phân loại dựa vào sự có mặt của những protein khác trên hồng cầu, một trong số đó có yếu tố Rh. Nếu có protein đặc hiệu này thì là Rh dương (+), nếu không có là Rh âm (-).
Xét nghiệm nhóm máu ở mẹ bầu là rất cần thiết vì nó liên quan đến sức khỏe của thai nhi trong bụng mẹ.
Xét nghiệm nhóm máu ở mẹ bầu sẽ ra một trong các kết quả sau:
- Nhóm máu A+: có kháng nguyên A, Rh.
- Nhóm máu A-: có kháng nguyên A, không có Rh.
- Nhóm máu B+: có kháng nguyên B, Rh.
- Nhóm máu B-: có kháng nguyên B, không có Rh.
- Nhóm máu AB+: có kháng nguyên A, B và Rh.
- Nhóm máu AB-: có kháng nguyên A và B, không có Rh.
- Nhóm máu O+: không có kháng nguyên A hoặc B nhưng có Rh.
- Nhóm máu O-: không có kháng nguyên A, B hoặc Rh.
2. Tại sao cần làm xét nghiệm nhóm máu ở bà bầu?
Nếu mẹ bầu khi xét nghiệm máu ra kết quả là Rh(-) ở người mẹ, người cha có Rh(+) thì con của cặp vợ chồng này có thể gặp vấn đề về sức khỏe.
Nếu không có những bất thường khác, sự bất đồng nhóm máu Rh thường không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng nếu người mẹ mang thai lần đầu. Máu của thai nhi sẽ không bị trộn lẫn với máu của mẹ trong thai kỳ.
Ở lần mang thai thứ 2 và những lần tiếp theo. Trường hợp thai nhi vẫn có nhóm máu Rh(+) thì những kháng thể Rh của mẹ sẽ nhận ra kháng nguyên Rh có trên bề mặt tế bào máu của thai nhi và tấn công chúng. Những kháng thể này có vai trò tấn công và tiêu diệt các tế bào máu của thai nhi. Hiện tượng bất đồng nhóm máu Rh này làm giảm số lượng tế bào hồng cầu xuống quá mức thì sẽ gây ra bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, khi mẹ bầu có nhóm máu Rh(-) còn có thể tiếp xúc với yếu tố Rh và bị kích thích để tạo ra kháng thể Rh nếu được truyền máu nhóm Rh(+), hoặc khi bị sẩy thai, có thai ngoài tử cung.
3. Cách điều trị và phòng ngừa bất đồng nhóm máu ở phụ nữ mang thai
Ngày nay ngành y học đã có nhiều tiến bộ, vì vậy có thể phòng ngừa những biến chứng do bất đồng nhóm máu Rh và điều trị bệnh tán huyết ở trẻ sơ sinh.
Khi xét nghiệm nhóm máu ở mẹ bầu và nếu kết quả là nhóm máu Rh(-), bác sĩ sẽ chỉ định tiêm 2 liều huyết thanh miễn dịch Rh (Rh immune-globulin) trong thai kỳ.
- Liều đầu tiên: được tiêm vào tuần thứ 28 của thai kỳ.
- Liều thứ hai: trong vòng 72 giờ sau khi sinh.
Những kháng thể có trong 2 liều huyết thanh trên sẽ chủ động phá hủy và ngăn chặn những tế bào hồng cầu Rh(+) từ thai nhi truyền qua máu mẹ, giúp làm giảm thiểu sự tiếp xúc của cơ thể mẹ với hồng cầu Rh(+), ngăn ngừa việc sản xuất kháng thể Rh trong cơ thể mẹ. Nhờ vậy mà lần mang thai tiếp theo sẽ không gặp phải tình trạng do bất đồng nhóm máu Rh gây ra nữa.
4. Những lưu ý khi mẹ bầu phải truyền máu
Nếu mẹ bầu phải truyền máu, xét nghiệm nhóm máu sẽ giúp xác định nhóm máu được truyền là phải phù hợp và tương thích với thai phụ. Các tế bào hồng cầu sẽ ngưng kết lại với nhau, gây ra một phản ứng nghiêm trọng hoặc tử vong nếu truyền nhóm máu không tương thích.
5. Các xét nghiệm khác đối với mẹ bầu
Ngay từ khi phát hiện mang thai, mẹ bầu cần đi khám thai định kỳ. Bao gồm xét nghiệm nhóm máu ở mẹ bầu nhằm xác định nhóm máu.
Ngoài xét nghiệm nhóm máu ở mẹ bầu, thai phụ cũng cần làm một số xét nghiệm khác trong thai kỳ để kiểm tra sức khỏe như:
5.1 Xét nghiệm huyết đồ
Để đánh giá hàm lượng sắt trong cơ thể mẹ bầu có bị thiếu hay không. Nếu có, sẽ được chỉ định bổ sung sắt. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp phát hiện các bệnh lý rối loạn tế bào máu (như bệnh tế bào hình lưỡi liềm hoặc tán huyết) gây thiếu máu cho cả mẹ và thai nhi.
5.2 Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với thai nhi
Rubella, viêm gan B, viêm gan C, HIV, giang mai…. Dựa vào kết quả xét nghiệm để đánh giá mức độ rủi ro đối với thai kỳ và đưa ra phác đồ phòng ngừa nhằm hạn chế những tổn thương cho trẻ lúc sinh ra.
5.3 Xét nghiệm Double test
Để tầm soát một số bất thường nhiễm sắc thể gây hội chứng Down. Xét nghiệm được thực hiện vào khoảng tuần 11-13 của thai kỳ, cùng với siêu âm đo độ mờ da gáy.
5.4 Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Để kiểm tra lượng đường máu nhằm đánh giá thai phụ có bị tiểu đường thai kỳ hay không, bởi tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Xét nghiệm này được thực hiện vào khoảng tuần 24-28 của thai kỳ.
Hy vọng qua bài viết này, mẹ bầu sẽ thấy được tầm quan trọng của việc xét nghiệm máu khi mang thai. KNP chúc mẹ bầu sẽ có một thai kỳ khoẻ mạnh
Kết nối với chúng tôi tại:
Fanpage: Stepbaby Việt Nam